Khác biệt giữa Intel Mac và PC – OSX86 project ra đời
Khác biệt về hardware & firmware:
Nếu bỏ qua các thế hệ máy Macintosh sử dụng chip Motorola và PowerPC vì khác biệt kiến trúc, thì máy Macintosh ra đời năm 2006 trở về sau, về cơ bản, có các thành phần và cấu trúc giống hệt như một chiếc PC dùng CPU Intel phổ thông. Nói rằng về cơ bản giống nhau không có nghĩa là không có khác biệt, cũng không có nghĩa là bạn có thể mua một chiếc DVD Mac OS X để cài đặt lên PC ở nhà của mình. Và đây cũng là thời điểm OSX86 project ra đời.
Tiếp tục bỏ qua các thế hệ tiền bối đã từng nghiên cứu giả lập Mac trên PC, OSX86 project ra đời với điều kiện khách quan và lực lượng hỗ trợ đông đảo hơn rất nhiều. Sự tương đồng trong kiến trúc x86 đã giúp cho việc chạy OS X thực (run natively) trên PC thành hiện thực.
Nói về khác biệt giữa Intel Mac và PC, thật ra cũng không có nhiều. Chúng ta chủ yếu nói về khác biệt phần cứng hoặc firmware, xử lý nó ổn thỏa là có thể san bằng khác biệt về phần mềm.
Các khác biệt chủ yếu:
- Mac không thể chạy tất cả các thiết bị của PC: Máy Mac sử dụng các linh kiện giống với PC, có điều không nhiều chủng loại và nhà sản xuất như PC. Điều này có nghĩa là Mac OS X chỉ có sẵn driver cho một số thiết bị có device ID và vendor ID đặc thù. VD như onboard Ethernet Realtek RTL8139 có mã IOPCIPrimaryMatch là 0×813910EC, có thể chạy ngay khi cài đặt (run out-of-the-box) do driver có sẵn, nhưng các thế hệ Ethernet Realtek khác thì không. Điều này dẫn đến việc chỉ một bộ phận PC có cấu hình hợp lý (ý ở đây là giống với một máy Mac tương ứng, có thể là Macbook hay iMac, Mac Pro) có thể chạy được Mac OS X mà thôi.
- Mac sử dụng EFI: EFI được mệnh danh là hệ điều hành thu nhỏ trên mainboard. Đây là một kĩ thuật mới do Intel phát triển nhằm giao tiếp tốt hơn với system firmware, EFI có nhiều ưu thế vượt trội so với BIOS truyền thống. BIOS trên PC viết bằng assembly, trong khi EFI viết bằng C. Một vài hệ thống như HP Itanium cũng đã chuyển sang sử dụng EFI từ lâu. Trên PC đã phát triển thế hệ Unified EFI và tương lai các mainboard sẽ chuyển qua sử dụng hệ thống EFI này. Trước đây từng có một mainboard MSI giới thiệu UEFI, MSI P45D3 Platinum.
- Mac sử dụng bảng DSDT khác với PC: DSDT trên Mac chi là một bản không hoàn chỉnh của DSDT trên PC. Do vậy việc patching DSDT là cần thiết để Mac OS X có thể giao tiếp và hỗ trợ tốt các thiết bị trên PC.
- Mac sử dụng SMC khác với PC: firmware SMC (System Management Controller) trên Mac giúp hệ điều hành điều khiển một vài tính năng phần cứng (chẳng hạn như đọc temp CPU và điều chỉnh tốc độ quạt). SMC cũng tồn tại trên PC, nhưng hoàn toàn không giống Mac.
- Mac sử dụng keyboard khác với PC: Đương nhiên trên bàn phím của Mac không thể có nút Windows, và đồng thời có một số nút cũng không có trên bàn phím PC, như Command và Option.
OSX86 Project:
OSX86 project là dự án mở (GNU Public License) của cộng đồng công nghệ toàn thế giới, ra đời nhằm khắc phục những khác biệt trên, đem Mac OS X đến với thế giới x86 của PC. OSX86 project bắt nguồn chủ yếu từ cộng đồng thành viên diễn đàn InsanelyMac. Rất nhiều dự án nhỏ đã ra đời từ cộng đồng OSX86 này, thành tựu tiêu biểu phải kể đến Chameleon bootloader, Voodoo group, 4500MHD opensource driver project…
Nguồn: VOZ Forums
Phần 2: Khác biệt giữa Mac và PC – Cách giải quyết
III/ Giới thiệu về EFI và DSDT, hệ thống driver trên Windows và kext trên Mac OS X
EFI là gì?
EFI là từ viết tắt của Extensible Firmware Interface, một bộ đặc tả giao thức phần mềm chịu trách nhiệm giao tiếp giữa hệ điều hành (OS) và firmware hệ thống. Nói tới EFI thì quả là lạ lẫm, nhưng nếu nói tới BIOS (Basic Input/Output System) thì chắc các bạn, nhất là anh em tại vOz chẳng xa lạ gì. Và thật vui khi biết rằng, EFI và BIOS thực ra có thể coi là huynh đệ của nhau.
BIOS chính xác cũng là một firmware interface, viết bằng assembly, có chức năng tự chạy đầu tiên khi bật máy tính, nó thực hiện quá trình Power On-Self Test, kiểm tra các thiết bị và rồi giao hết lại cho hệ điều hành (như Windows chẳng hạn). OS vẫn phải dựa vào BIOS để liên lạc với một số thiết bị, chẳng hạn như pin trên laptop hoặc đọc một số thông số hệ thống. Do việc phải thức khuya dậy sớm như vậy nên BIOS được đặc cách ngủ một phòng riêng có tên là EPPROM ngay trong nhà mainboard. EFI thì khác, viết bằng C, đô con hơn, mở rộng tốt hơn, phức tạp hơn và giống một hệ điều hành thu nhỏ hơn. EFI được phát triển bởi Intel, tương lai sẽ là kẻ kế vị cho BIOS khi gã cao tuổi này về hưu.
Nhưng vì sao chúng ta phải nhắc đến EFI nhỉ? À, thật ra là vì Mac dùng EFI (hay đúng hơn là một mô tả riêng từ chuẩn EFI ban đầu của Intel), chứ không phải BIOS như PC. Đây là vấn đề gay go đầu tiên cho mộng ước hợp nhất của chúng ta. Ngoài việc nó khác nhau ra, thì EFI còn nắm giữ nhiều thành phần quan trọng của một hệ điều hành mà không nhắc tới nó không được: service, protocol, device driver, driver cho file system, disk support, và cả boot manager.
Ngày xưa, dân OSX86 ta đơn giản bỏ qua EFI vì nó phức tạp và khó nhai quá, trực tiếp sửa đổi kernel của Mac OS X cho nó chạy trên PC là xong. Nhưng sự thực thì sau đó không ít phiền toái kéo tới. Các kext (kernel extension) chuẩn không chạy được với kernel sửa đồi, rồi thì mỗi lần Apple tung gói update mới lại phải hì hụi sửa lại cái kernel. Sau này phương pháp giả lập EFI thông qua bootloader được đưa ra bởi các bác hacker Nga khét tiếng (Netkas), giúp cho dân đen chúng ta tránh được rất nhiều phiền phức.
Về thiết bị phần cứng, có một thiết bị gọi là EFI-X được bày bán, cắm vào máy là chạy EFI được ngay. Đáng tiếc công ty sản xuất thiết bị hay ho này về sau bị pháp luật tóm gáy, và vậy là OSX86 cho ra đời phương pháp giả lập EFI khác có tên Boot-132, hoạt động y chang thiết bị kia (đúng hơn thì Boot-132 có trước và EFI-X bắt chước mà thôi). Chúng ta sẽ sử dụng phương pháp giả lập Boot-132 này trong phần 3 của loạt bài.
DSDT là gì?
Thêm một thuật ngữ khó nhằn khác cần được giải thích, rất may là phần DSDT này cũng ngắn mà thôi.
DSDT (Differentiated System Description Table) là một bảng quan trọng trong đặc tả ACPI, compiled dưới dạng file .aml (ACPI Machine Language), cung cấp thông tin cho hệ điều hành về một số thiết bi bên dưới. Thiếu hoặc sai bảng DSDT thường dẫn đến những trục trặc như không thể sleep, quạt không điều chỉnh tốc độ được, màn hình không tắt khi đóng laptop (close lid), v..v.. Vấn đề là đa số PC đều được sản xuất với DSDT đặc tả cho Windows, vì vậy ngay cả Linux đôi khi cũng phải sửa đổi DSDT để có thể hoạt động trơn tru. Mac thì như chúng ta đã biết, đỏng đảnh hơn nhiều chứ đâu bình dân như Linux, vì vậy Mac sử dụng hẳn một bảng DSDT khác (đúng hơn là một subset không hoàn chỉnh) với DSDT của đặc tả ACPI trên PC.
Việc thay đổi DSDT thường được thực hiện như sau: trích xuất DSDT từ ACPI trên mainboard -> patching & modifying DSDT -> chỉ dẫn bootloader sử dụng DSDT mới này thay vì DSDT nguyên gốc trong BIOS (tránh việc ghi đè lại DSDT của hệ thống). Công việc patching khó khăn này giờ đã được đảm nhận bởi những công cụ với giao diện đồ họa, sử dụng hết sức đơn giản.
Hệ thống driver trên Windows và kernel extensions trên Mac:
Do sử dụng 2 trường phái kernel khác nhau, Windows với monolithic kernel (vâng, “thiết kế nguyên khối” y như quảng cáo Sony Bravia gần đây) còn Mac sử dụng microkernel nên 2 hệ điều hành này cũng có hệ thống driver cho thiết bị khác nhau. Bản chất các file .kext (kernel extension) cũng giống với device driver trên Windows, giúp mở rộng khả năng của nhân hệ điều hành, điều khiển và tích hợp các thiết bị phần cứng khác của máy tính.
Về phần Apple, ngược lại, do sử dụng microkernel và không thiết lập chuẩn chung cho driver, Mac OS lại mang tính chất proprietary (sở hữu riêng, mã đóng), nên các thiết bị sử dụng cho Mac OS phải được Apple và NSX cùng nhau viết driver. Thêm một quy định khác của Apple là Mac OS chỉ chạy trên máy Macintosh, vì vậy kext của các thiết bị được tích hợp sẵn vào Mac OS luôn cho tiện, chứ ít được phân phối bởi NSX thiết bị như trên Windows.
Các kext của Mac OS X nằm trong thư mục /System/Library/Extensions/ (đường dẫn Unix), cách cài đặt và gỡ bỏ “driver” này cũng hết sức đơn giản, chúng ta sẽ nói thêm ở phần 3 của bài.
IV/ Giới thiệu Chameleon – bootloader cho Mac OS X
Bootloader là gì?
Bootloader, hiểu đơn giản, là một đoạn mã chỉ dẫn nằm ở phần Master Boot Record (đối với MBR disk) hoặc EFI parition (đối với GPT disk). Sau khi BIOS giao lại quyền boot hệ thống cho đĩa cứng, đây là đoạn mã được chạy đầu tiên để từ đó dò tìm file boot của hệ điều hành tương ứng. Do mỗi hệ điều hành có file boot đặc trưng nên bootloader của mỗi OS cũng sẽ khác nhau. Windows NT sử dụng file ntldr, Vista và 7 sử dụng bootmgr. Trong các hệ thống có nhiều OS, bootloader còn kiêm luôn chức năng hiển thị menu lựa chọn và boot vào OS tương ứng.
Chameleon là gì?
Do Mac OS X sử dụng file system thuộc dạng “nông thôn miền núi” mang tên HFS+ (kiểu như NTFS trên Windows), gần như chẳng có bootloader thông dụng nào có thể đọc được phân vùng của nó. Trên nguyên bản Macintosh thì bootloader cho Mac OS X nằm trong chính EFI, trong đó tích hợp cả driver read-only cho file system HFS+ và nhiều thứ linh tinh khác. Không chấp nhận bó tay với chiêu này của Apple, cộng đồng OSX86 nổi lên một vị anh hùng tài năng cái thế tên là Voodoo team. Ngoài việc viết driver sound card, driver cho keyboard và trackpad linh tinh, thì đóng góp lớn nhất của Voodoo team chính là Chameleon – bootloader đa năng có khả năng đọc được HFS+ của Mac OS X. Từ đây, khả năng multi-boot Mac OS X cùng nhiều hệ điều hành khác đã trở thành hiện thực.
V/ Cách kiểm tra thông số phần cứng – device ID & vendor ID. So sánh compatibility list
Device ID và Vendor ID:
Có lẽ nhiều bạn đã gục ngã trên bàn phím sau mớ lý thuyết lòng thòng phía trên, và để đổi gió trước khi bước qua phần cài đặt chính thức, chúng ta hãy cùng thử tìm hiểu kĩ hơn về những thiết bị phần cứng mình đang sử dụng.
Việc cài đặt Mac OS X và tìm kiếm driver cho các thiết bị là một công việc khá gian khổ, đồng thời tốn không ít thời gian, do vậy các bạn cần có sự chuẩn bị thật tốt trước khi bắt tay vào quậy phá. Đầu tiên cần phải kể đến phải là thông số chi tiết của các thiết bị phần cứng trên máy PC của bạn. Đối với Windows, để tìm kiếm driver có lẽ quá dễ với một cái tên chung chung kiểu Intel X3100 GMA, sound card onboard Realtek, v..v.. nhưng đối với Mac OS X, mọi việc không đơn giản như vậy. Bạn cần xác định rõ devce ID và vendor ID của thiết bị, chẳng hạn riêng GMA 950 của Intel đã có tới 3 device ID khác nhau: 27AE, 27A2, 2702. Việc xác định này cũng hết sức đơn giản: Mở device manager, tìm tới properties của thiết bị cần tìm và copy lại dòng hardware Ids là xong.
Các thiết bị cần được xác định rõ là: VGA, audio chip, network card, wireless card, SATA/IDE controller, chipset series, các thiết bị phụ kiện khác.
Đây là thông tin VGA 4500MHD của Intel (vendor ID 8086 - device ID 2A42).
Các bạn chú ý đây là sound HDMI (có vendor ID 8086 của Intel) chứ không phải sound chip trên máy.
Đây mới là sound chip Conexant High Definition Audio-Venice 5051.
Các bạn sau khi có device ID và vendor ID có thể lên tra tên thiết bị ở PCIDatabase.
Compatibility list:
Cũng như Windows, cộng đồng OSX86 đã xây dựng một database Hardware Compatibility List, ghi rõ các thiết bị tương thích với Mac OS X và cách cài đặt cũng như giải quyết sự cố. Trước khi tiến hành cài đặt, các bạn nên tham khảo qua danh sách này để biết “vận may” của mình đến đâu. Trang wiki của OSX86 và HCL có tại: http://wiki.osx86project.org
Nguồn:VOZ Forums
Phần 3: Cài đặt Mac OS X
VI/ Giới thiệu hệ thống thử nghiệm – thành phần và lý do sử dụng
Nhắc lại 1 tí về phần trước: Do giới hạn phần cứng của những chiếc Macintosh, chỉ một số lượng PC nhất định có cấu hình hợp lý (có thành phần giống với một chiếc Macintosh tương ứng) mới có khả năng cài đặt và chạy được Mac OS X trơn tru. Đừng buồn nếu chiếc PC của bạn không nằm trong số ít đó, vì ít ra bạn cũng đã hiểu thêm về thế giới Macintosh bí ẩn. Và nếu tình yêu dành cho Mac đủ lớn, bạn cũng biết được có thể thay thế thành phần nào trong chiếc PC của mình để “rước nàng về dinh”.
Hiện nay desktop PC sử dụng socket LGA775 chiếm số lượng khá lớn trên thị trường, do vậy chúng tôi chọn hệ thống thử nghiệm bao gồm mainboard LGA775 và một CPU Core 2 Duo.
Qua kinh nghiệm cài đặt Mac OS X trên khá nhiều mainboard khác nhau, chúng tôi nhận thấy mainboard Gigabyte hỗ trợ khá tốt cho Mac OS X. Từ việc sử dụng các linh kiện thành phần thuộc các hãng OEM nổi tiếng (Ethernet và sound onboard Realtek), cho tới việc BIOS được viết có độ tương thích cao với các chuẩn chung, mainboard Gigabyte ít khi phải can thiệp sâu vào bảng DSDT, cũng như tìm kiếm driver (của Mac OS X) cho các giao tiếp kết nối khá dễ dàng. Ngoài ra các mainboard Gigabyte còn có được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng OSX86 do số lượng người dùng cài đặt thành công rất cao, không ít trường hợp có thể chạy ngay mà không can thiệp gì (run out-of-the-box).
Cấu hình thử nghiệm của chúng tôi bao gồm:
Mainboard: Gigabyte EP45-UD3L – socket 775 chipset P45.
CPU: Core 2 Duo 7400 2.8GHz.
RAM: 2×2GB DRR2 800MHz.
VGA: Gigabyte GeForce 9600GT.
VII/ Đồ nghề chuẩn bị
Liệt kê và download:
Do sử dụng phương pháp boot-132 để khởi tạo môi trường cho Mac, chúng ta cần đĩa cài đặt retail của Mac OS X và một đĩa boot khởi tạo.
Đĩa boot khởi tạo môi trường EFI: Empire EFI 1.085 hoặc 1.085 R2 (download tại đây – chọn phiên bản thích hợp cho PC của mình).
Đĩa retail Mac OS X phiên bản Snow Leopard 10.6.3 (mới nhất hiện nay). Các bạn có thể mua từ các cửa hàng Apple với giá 29$, hoặc download tại đây. Do có dung lượng gần 7GB nên chúng ta cần một đĩa DVD+R double-layer.
Bootloader: Chameleon 2 RC4. Download tại đây.
DSDT Patcher GUI. Download tại đây.
OSX86 Tools Utility. Download tại đây.
Voodoo HDA kexts. Download tại đây.
Boot screen gốc hoặc theme cho Chameleon để làm đẹp. Tham khảo tại đây.
VIII/ Giới thiệu các bước cài đặt
1. Thiết lập lại BIOS.
2. Khởi động với đĩa giả lập EFI.
3. Boot đĩa retail Mac OS X.
4. Chia và format phân vùng Mac OS X.
5. Cài đặt và khởi động vào Mac OS X lần đầu.
6. Cài đặt bootloader, kext cơ bản.
7. Cài đặt các thiết bị.
Đầu tiên chúng ta giải quyết nhanh 3 bước đầu.
1. Thiết lập lại BIOS: chúng ta cần thiết lập BIOS sao cho giống nhất với một chiếc Macintosh.
Đầu tiên là disable floppy disk.
Tiếp theo tạm thời tắt C1E/C2E/C4E gì đó của CPU đi (có thể gây rắc rối khi boot), về sau cài đặt kext đầy đủ chúng ta sẽ bật lại.
Mac chỉ sử dụng AHCI nên chúng ta cũng chuyển qua thiết lập này cho các cổng SATA. Tiện thể enable USB support cho keyboard và mouse. Mac không hỗ trợ cổng PS/2 trên PC nên tốt nhất là keyboard và mouse sử dụng USB. Nếu không chúng ta cũng có thể cài đặt kext cho PS/2 keyboard/mouse.
Bật HPET (High Precision Event Timer) nếu có và chuyển về chế độ 32bit. Nếu bạn dự định chạy kernel của Mac ở mode 64bit thì chuyển HPET sang 64bit.
2. Khởi động với đĩa giả lập EFI.
Tiếp theo bỏ đĩa EFI vào và boot tới khi xuất hiện màn hình như trong hình. Bạn có thể sử dụng các bản EFI khác nhau, như với mainboard P55 có thể sử dụng bản của tonymacx86. Bài viết này tôi sử dụng Empire EFI, đây là bản EFI nổi tiếng nhất và có đầy đủ các phiên bản support cho các hệ PC khác nhau, bao gồm cả P55 và ATI VGA và một số dòng CPU & chipset AMD cũ.
3. Boot đĩa retail Mac OS X.
Tiếp theo lấy đĩa EFI ra, bỏ đĩa Mac OS X retail vào, đợi khoảng 20s (quan trọng) và nhấn F5. Khi đĩa Mac OS X Install DVD xuất hiện trong menu thì chọn boot.
Tiếp theo sau khi load các kext default thì ta enter để load tiếp kernel. Nếu sau bước này các bạn có thể boot vào tới màn hình chào mừng của Mac OS X Installation thì coi như bước 3 thành công. Nếu không, xem lại đĩa EFI của bạn hoặc đổi sang bản khác.
IX/ Chia phân vùng
4. Chia và format phân vùng Mac OS X.
Sau khi màn hình install Mac OS X xuất hiện, bước tiếp theo cần làm là chia đĩa và format.
Bản Mac OS X 10.5 Leopard vẫn còn hỗ trợ đồng thời 2 kiểu phân vùng ổ cứng MBR và GPT, nhưng kể từ Mac OS X 10.6 thì Apple đã chuyển hẳn sang sử dụng GPT. MBR và GPT là 2 định dạng phân vùng ổ cứng khác nhau, quy định cách thức lưu trữ các thông tin về partition (phân vùng), boot sector cũng như Master boot record trên đĩa. MBR và GPT không liên quan gì đến hệ thống tập tin (file system) cả, đó là cách mỗi phân vùng tổ chức và quản lý dữ liệu (các file) của riêng mình. Kể từ Windows Vista SP1 trở đi Microsoft mới chính thức hỗ trợ định dạng ổ đĩa GPT.
Tất nhiên các ổ cứng PC đều được phân vùng theo chuẩn MBR là chủ yếu, dù rằng GPT (như trong hình) cho thấy nhiều tính năng tiến bộ hơn. điều này một phần là do Windows mới chỉ hỗ trợ GPT gần đây chứ chưa chuyển hẳn qua, và một lý do khác nữa là các trình chia đĩa (partitioner) cũ như Acronis Disk Director và Partition Magic chỉ hỗ trợ MBR mà thôi. Ngay cả các chương trình backup như Acronis True Image cũng chỉ hỗ trợ MBR, phiên bản mới nhất mới bắt đầu hỗ trợ GPT. Tạm thời chúng ta không bàn tới thế giới của Linux, chú chim cánh cụt này hỗ trợ được tất cả các chuẩn ngay khi ra mắt do đặc tính mã nguồn mở của mình.
Để chia partition và format đĩa cứng, các bạn truy cập vào Disk Utility trong menu Utilities.
Lưu ý: format theo chuẩn GPT sẽ xóa trắng toàn bộ ổ cứng của bạn (hiện đang theo chuẩn MBR), sau đó mới tiến hành phân vùng. Do vậy bạn nên sử dụng một ổ cứng riêng cho Snow Leopard, hoặc có thể tìm download bản OS X đã được sửa đổi để hỗ trợ MBR. Nếu bạn sử dụng bản Snow Leopard MBR, sau khi chia và format HFS+, nhớ dùng Acronis Disk Director để chuyển phân vùng đó thành primary active mới có thể cài đặt được.
Đây là hướng dẫn cho GPT: Nhấn vào ổ đĩa muốn cái đặt (tên đĩa cứng chứ không phải phân vùng), vào mục Partition. Chọn số partition muốn tạo (1 hoặc nhiều hơn). Nhấn Option và chọn GUID Partition Table (GPT). Điền tên cho mỗi phân vùng, chọn format Mac OS Extended (Journaled) hay còn gọi là HFS+ cho phân vùng cài đặt. Cuối cùng là nhấn Apply.
HFS+ của Mac và NTFS của Windows đều là 2 hệ thống tập tin tiên tiến và có nhiều ưu điểm. Thời kì FAT32 cũ kĩ, hệ thống tập tin này chỉ lưu được những file có dung lượng <4GB mà thôi, đồng thời không có được khả năng chịu lỗi cũng như tự sửa lỗi và bảo trì (self-correcting & maintenance). NTFS được Microsoft phát triển, tích hợp nhiều tính năng quan trọng như khả năng ghi nhật kí (journaling), tích hợp hệ thống phân quyền tập tin ACL (Access Control List), hỗ trợ mã hóa, nén dữ liệu và hàng tá những thứ khác. NTFS được đưa vào sử dụng từ thời Windows 2000 mãi cho tới nay.
X/ Boot & Installation
Sau khi format xong thì chúng ta thẳng tiến tới màn hình cài đặt. Trước khi nhấn Install cần customize lại để lựa chọn một vài thứ. Rosetta là một phần mềm giả lập để Mac chạy được các phần mềm viết cho kiến trúc PowerPC cũ, vì vậy cứ select cho an tâm.
Sau khi cài đặt xong (khoảng 20 phút), máy sẽ khởi động lại. Ở bước này các bạn lại bỏ đĩa EFI vào boot (do chưa có bootloader trên đĩa cứng). Chọn phân vùng vừa mới cài Snow Leopard và tiếp tục.
Ở bước này có thể sẽ có một vài máy không boot được (treo giữa chừng, xuất hiện thông báo kernel panic hoặc tương tự). Các bạn có thể sử dụng tham số cpus=1 (chỉ sử dụng 1 nhân CPU) để tiếp tục. Sau khi cài đặt hoàn chỉnh chúng ta có thể boot bình thường.
5. Cài đặt và khởi động vào Mac OS X lần đầu.
Sau khi xuất hiện màn hình welcome của Apple Mac OS X (chúc mừng được 70% rồi nhé), bạn điền các thông số cho tài khoản người dùng và tiếp tục. Desktop cùng dock và menu quen thuộc của Mac hiện ra.
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là tắt chức năng sleep của hệ thống. Nó có thể gây treo máy và nhiều lỗi linh tinh khác. Bật System Preferences trên thanh dock, vào Energy Saver và tắt như trong hình.
6. Cài đặt bootloader, kext cơ bản.
Tiếp theo chúng ta sẽ cài đặt bootloader và các kext cơ bản của hệ thống. Vào đĩa Empire EFI, thư mục Extra/Post-Installation và chạy gói cài đặt myHack. Chương trình này sẽ cài đặt Chameleon 2.0 RC3, PC EFI 10.5, FakeSMC v2, lspci, pfix v2.1.1 để bạn có thể boot mà không cần đĩa EFI nữa đồng thời cũng có các kext cơ bản cần thiết. Nhớ đọc kĩ hướng dẫn sử dụng trước khi chọn bất kì mục nào. Giữ trong đầu tư tưởng “thiếu còn hơn thừa”, vì thiếu thì có thể boot vào lại cài thêm, còn thừa thì mất công lắm.
Bật chương trình terminal (đường dẫn /Applications/Utilities/Terminal.app) lên và gõ các lệnh cài đặt như sau:
cd Desktop/Chameleon/i386
diskutil list (liệt kê tên các ổ đĩa trên máy – ghi lại tên của ổ đĩa cài Mac OS X, của tôi là đĩa disk0, phân vùng disk0s2).
fdisk -f boot0 -u -y /dev/rdisk0 (ghi master boot record cho đĩa).
dd if=boot1h of=/dev/rdisk0s2 (ghi boot sector cho phân vùng).
cp boot / (copy file boot vào root).
Sau khi hoàn thành các bước trên thì chúng ta có thể restart máy được rồi.
Restart và màn hình bootloader Chameleon sẽ hiện ra, chọn Snow Leopard và boot. Tiếp theo chúng ta sẽ xử lý phần còn lại: driver (kext) cho các thiết bị VGA, ethernet và sound.
7. Cài đặt các thiết bị
Chủ yếu có 3 cách để activate VGA: cài đặt customized kext, add EFI string hoặc patch DSDT. Ngoài ra còn có thể sử dụng các gói graphics enabler tìm được trên mạng (tự động hóa công việc add kext hoặc add EFI string cho bạn mà thôi). Ở đây tôi dùng cách add EFI string bằng phần mềm OSX86 Tools. Các cách khác các bạn có thể tham khảo thêm trên insanelymac. VGA ATI hay NVIDIA đều có thể activate như nhau, miễn là nằm trong diện hỗ trợ.
Hướng dẫn: Chạy OSX86 tools, chọn add EFI strings. Chọn tiếp GFX strings, nếu tên VGA của bạn không có trong danh sách (như trường hợp của tôi) thì chọn Custom Graphics Card. Sau đó điền tên, select dung lượng bộ nhớ, cổng kết nối, cuối cùng là “Import String to Boot Editor” và “Apply changes to com.apple.Boot.plist”.
Lưu ý: OSX86 Tools được viết để chạy trên Leopard 10.5, do vậy các tính năng khác hoạt động không chính xác.
Sau khi khởi động lại VGA đã nhận diện đầy đủ, QE/CI enabled và nhận đúng độ phân giải màn hình (và nhất là đã có thể chụp screenshot trực tiếp). Tiếp theo chúng ta xử lý sound và Ethernet.
Sound và Ethernet:
Ethernet của mainboard EP45-UD3L là Realtek 8169, được hỗ trợ mặc định bởi Apple, vì vậy chạy được ngay mà không cần can thiệp. Các bạn có thể vào System Preferences phần Network, kiểm tra MAC Address và IP xem đã được cấp đúng chưa. Nếu các bạn sử dụng Ethernet không được nhận diện mặc định, có thể tìm thêm kext trên http://www.kexts.com/ và xem thêm hướng dẫn trong box LAN and Wireless tại InsanelyMac. Cách cài đặt kext sẽ được hướng dẫn ở phần cuối bài.
Sound của tôi là Realtek ALC888 chưa hoạt động, chúng ta cần cài đặt VoodooHDA. Extract gói VoodooHDA đã chuẩn bị ban đầu, copy VoodooHDA.kext vào /System/Library/Extensions/ sau đó bật terminal gõ các lệnh sau:
sudo chmod -R 775 /System/Library/Extensions/VoodooHDA.kext
sudo chown -R root:wheel /System/Library/Extensions/VoodooHDA.kext 2 lệnh này nhằm sửa lại permission của kext cho chính xác. Sau đó chúng ta khởi động lại.
Sau khi restart kiểm tra sound đã hoạt động chưa (System Preferences -> Sound). Nếu đã hoạt động thì ta cài thêm panel điều khiển cho sound. Double click vào tập tin VoodooHDA.prefpane để cài đặt. Trong System Preferences sẽ xuất hiện thêm một panel mới để điều khiển các thiết lập cho sound chip.
XI/ Các vấn đề sau cài đặt
Các bạn có thể sẽ gặp phải một số vấn đề nếu việc lựa chọn kext cơ bản (ở bước cài đặt gói myHack) sai hoặc thiếu. Trong trường hợp này chúng ta chỉ việc chạy lại gói cài đặt và lựa chọn lại là xong. Đối với PC có sử dụng các thiết bị keyboard hoặc mouse PS/2, bắt buộc phải cài kext cho PS/2.
Đối với các thành phần khác trong PC, trở ngại lớn nhất là graphics card. Nếu bạn sử dụng NVIDIA thì hầu hết card từ 5200 trở về sau đều có thể cài đặt thành công, bao gồm cả GT200 series. Điểm quan trọng nhất đối với graphics card là hardware accelerated, phải có Quartz Extreme / Core Image enabled (Desktop Compositor và Image Processing quan trọng của Mac). Để kiểm tra QE/CI đã bật hay chưa, các bạn có thể add thử một widget vào dashboard, nếu có hiệu ứng ripple (gợn sóng) thì QE/CI đã enabled. Một đặc điểm khác là VGA nhận đúng độ phân giải của màn hình cùng color profile cho màn hình đó.
Với cách add EFI string thì đảm bảo card đồ họa của bạn có thể sử dụng hết khả năng của mình như trên máy Mac nguyên gốc và không hề gặp bất cứ trục trặc gì. Dù không thể tận dụng các tập lệnh DirectX vốn được viết riêng cho Windows, nhưng khả năng sử dụng OpenGL / OpenCL cũng đã là quá đủ cho Mac. Nếu VGA không họat động đầy đủ (chỉ có software accelerated), các bạn sẽ không thể chạy các phần mềm đòi hỏi tính năng đồ họa nâng cao trên Mac như bộ iWork, iLife cùng nhiều phần mềm khác. Do vậy đảm bảo VGA họat động được là yếu tố cần nhất trên Mac.
Các thiết bị như Ethernet hiện đã có khá nhiều vendor / device họat động được trên Mac. Tuy nhiên, nếu bạn không nằm trong số đó, các bạn có thể chữa cháy bằng một card Ethernet PCI sử dụng Realtek 8139 / 8169 (hỗ trợ out-of-the-box). Ethernet PCI 10/100 Mb/sec của DLink cũng sử dụng chip này.
Về sound chip, VoodooHDA hiện đã hỗ trợ rất nhiều sound chip khác nhau, từ Realtek cho tới Coxenant, Sigmatel, etc. Chất lượng âm thanh từ bản VoodooHDA 0.2.4.2 trở đi có thể đảm bảo không kém gì trên Windows.
Về vấn đề bị crash (kernel panic) khi mở file DMG, các bạn cần cài seatbelt.kext để khắc phục lỗi này. Một số lỗi khác các bạn có thể tham khảo thêm trên diễn đàn insanelymac.com.
Các hệ thống P55, X58 hoặc sử dụng ATI Radeon HD 4800 series có thể cài đặt Mac OS X dựa theo hướng dẫn trong bài, chỉ việc lưu ý khi chọn bản EFI và các kext cho thiết bị phù hợp mà thôi.
Sau khi cài xong bạn sẽ khởi động với màn hình khởi động có sẵn, nhưng có lẽ các bạn rất muốn đổi hình khởi động này. Cách đổi như sau: Ở ổ đĩa cài SL sẽ có thư mục Extra/Themes. file boot.png và background.png chính là 2 file bạn cần đổi để thay hình khởi động.
Chameleon cũng hỗ trợ việc thay đổi theme phục vụ cho nhu cầu làm đẹp của không ít bạn. Chỉ cần download theme ưng ý, copy thư mục theme vào /Extra/Themes/, sau đó thêm dòng sau vào file com.apple.Boot.plist (cũng trong thư mục Extra):
<key>Theme</key>
<string>THEME_NAME</string> Kết quả sẽ được như sau:
Kết luận:
Việc cài đặt Mac trên PC cho tới bây giờ vẫn thực sự là một công việc gian khổ và quá sức với không ít người. Việc cài đặt hàng chục, thậm chí hàng trăm lần để đi từ chỗ “không biết tí gì” tới “biết chút chút” đã là cả một vấn đề. Tuy nhiên, nó hoàn tòan không vô ích. Trong quá trình tìm hiểu và can thiệp sâu vào hệ điều hành, bạn sẽ có được không ít kiến thức quan trọng và quý giá mà nếu chỉ đọc sơ qua sách vở thì không thể nào hiểu được. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, chịu khó bỏ ra thêm 3 ngày (hơi nhiều) để học sử dụng Mac OS X, tôi tin bạn sẽ hài lòng với thành quả của mình.
Ngoài cách cài Mac OS X với đĩa retail bằng phương pháp boot-132 trong bài, các bạn có thể tìm download các phiên bản tổng hợp / đóng gói sẵn (sửa đổi đĩa retail để tích hợp các thành phần cần thiết cho PC). Tuy nhiên khả năng cài đặt thành công là khá hạn chế, và bạn sẽ phải thử qua khá nhiều phiên bản khác nhau. Tôi đã từng thất bại với combo P55 + ATI VGA bằng phương pháp boot-132 do không tìm được đĩa EFI vừa ý, nhưng lại thành công khi sử dụng distro Snow 3.6 Universal.
Với nhiều bạn vẫn băn khoăn về khả năng gặp lỗi hay các phiền phức khác khi chạy Mac trên PC, tôi có thể khẳng định rằng, “hack” Mac trên PC gần như là việc “hack” hòan hảo nhất, tất nhiên là với những chiếc PC có cấu hình phần cứng gần giống Mac. Bản thân tôi cài đặt và sử dụng Mac trên PC đã gần 2 năm, và hòan toàn hài lòng với chiếc “Mac” của mình. Phương pháp boot-132 đã giảm thiểu tới mức thấp nhất việc can thiệp vào hệ điều hành (có chăng là mở rộng vài khả năng cho nó mà thôi). Nhân hệ điều hành cũng hoàn toàn không bị chỉnh sửa, do vậy sẽ không bao giờ xảy ra lỗi gì nghiêm trọng (crash, kernel panic) có nguyên nhân từ việc cài Mac trên PC cả. Đây là một bước tiến rất lớn so với các phương pháp can thiệp kernel trước đây.
Không phải cứ “hack” là sẽ gặp lỗi, ngược lại, ngay cả phần mềm do chính Apple thiết kế trên bản gốc còn có lỗi kia mà. Nếu bạn đủ may mắn cũng như khả năng để có được một chiếc hackintosh hoàn chỉnh, hãy tự hào tận hưởng thế giới mới này, vì bạn hoàn toàn có thể làm bất cứ điều gì một chiếc Mac thật có thể làm.
Nguồn: VOZ Forums
Phần 4: Multiboot & Đôi điều về Mac
Sau phần 3, chắc hẳn rất nhiều bạn đã thử cài đặt Snow Leopard trên máy tính của mình. Thật sự thì tôi không hi vọng nhiều, hoặc sẽ ngạc nhiên, nếu chỉ 13 trang demo của mình có thể giúp ai đó cài đặt thành công Snow Leopard (!). Sự thật là vậy, vì đặc tính khác biệt quá đa dạng trong thế giới PC, bắt tay vào cài đặt hackintosh trên một chiếc máy mới, đồng nghĩa với một kinh nghiệm mới. Chúng ta chỉ có thể tích lũy kiến thức để sử dụng khi cần thiết mà thôi, còn sự thật thì hiếm có 2 lần cài đặt nào của tôi lại giống nhau cả.
Ok, không nói nhiều nữa nhỉ. Nói thật là bài demo cài đặt tuần rồi của tôi không mang nhiều tính thực hành cho lắm, đơn giản là vì chúng ta chưa có giải pháp multi-boot cho Mac OS X và Windows. Rất hiếm có ai đủ điều kiện thực hành ngay mà vẫn tiếp tục được những công việc thường ngày của mình với Windows, vì với đa số người dùng PC, Windows là hệ điều hành không thể thiếu. Phần 4 này sẽ bắt đầu với hướng dẫn dual-boot cùng lúc 2 hệ điều hành này, cả trên đĩa cứng MBR lẫn GPT.
XII/ Multiboot Mac OS X và Windows.
Nếu các bạn cài đặt Mac OS X trên đĩa cứng vật lý riêng biệt, bạn hoàn toàn có thể set đĩa cứng chứa Snow Leopard được ưu tiên boot trong BIOS và dùng Chameleon để chọn vào Windows khi cần, rất đơn giản. Nhưng nếu chúng ta chỉ có một ổ đĩa thì sao?
Multiboot trên MBR:
Với đĩa cứng đang format dạng MBR (đa phần ổ cứng PC hiện nay đều dùng MBR) và Windows được cài đặt trước, chúng ta cần bản retail Snow Leopard đã được chỉnh sửa để cài đặt trên đĩa MBR (bản gốc của Apple chỉ cho phép cài trên GPT). Bước tiếp theo là dùng Acronis Disk Director (dùng trong Hiren’s Boot cho tiện), chia một phân vùng primary khoảng 20GB trở lên cho Snow Leopard, cuối cùng là active phân vùng đó như trong hình. Dữ liệu và Windows của bạn sẽ không bị gì hết.
Tiếp theo chúng ta boot vào đĩa cài đặt SL (như hướng dẫn trong phần 3), vào Disk Utility và format phân vùng 20GB khi nãy mới chia theo chuẩn Mac OS Extended (Journaled). Nhớ đừng format nhầm đấy nhé. Các bước cài đặt còn lại diễn ra bình thường.
Sau khi cài đặt Snow Leopard đã hoàn tất, bạn hãy thử dùng Chameleon chọn boot vào phân cùng Windows 7 xem sao? Không được à? Đúng vậy. Do Master Boot Record của đĩa cứng đã bị ghi đè bởi Chameleon (trong lệnh fdisk -f boot0 -u -y /dev/rdisk0 ở phần 3). Chúng ta cần sửa lại một chút boot sector cho phân vùng Windows 7 là được. Cách làm như sau:
Boot vào đĩa Hiren Boot, khởi động Acronis Disk Director và active lại phân vùng của Windows 7.
Boot vào đĩa cài đặt Windows 7 và chọn Repair my computer.
Sau khi quá trình repair kết thúc, khởi động lại máy và dùng Aronis active lại phân vùng Snow Leopard. (nếu không thể repair tự động, các bạn vào tiếp command line trong mục các công cụ repair và gõ lệnh bootrec.exe /fixboot).
Khởi động lại lần nữa, dùng Chameleon để chọn boot vào Windows 7, bây giờ thì mọi thứ ổn thỏa rồi nhé.
Multiboot trên GPT:
Nếu bạn quyết tâm format đĩa cứng theo GPT, điều này đồng nghĩa với việc xóa trắng toàn bộ dữ liệu (như đã nói phần 3) để định dạng lại đĩa. Sau khi dùng Disk Utility trong đĩa Snow Leopard format lại theo chuẩn GPT, chúng ta sẽ cài đặt Windows trước rồi Snow Leopard sau.
Lưu ý chỉ Vista SP1 trở về sau mới có thể nhận diện và cài đặt trên đĩa cứng GPT. Sau khi cài đặt thành công Windows, các bạn cài đặt tiếp Snow Leopard như bình thường. Sau khi cài đặt hoàn tất, MBR cũng sẽ bị mất do Chameleon ghi đè. Các bạn làm theo hướng dẫn ở phần đĩa MBR để phục hồi boot record cho Windows.
“Ghost” cho Snow Leopard?
Ok, sau khi có Windows và Mac OS X dual-boot ổn thỏa, chúng ta làm gì tiếp nhỉ? Có lẽ sẽ nhiều bạn nghĩ ngay tới việc sao lưu. Đúng vậy, sau bao nhiêu công sức bỏ ra thì một bản sao lưu sẽ là rất cần thiết, dễ bề “chữa cháy” cho xui xèo gì đó xảy ra trong quá trình khám phá Mac OS X sau này.
Để backup Snow Leopard thực ra cũng không đơn giản tí nào. Tôi đã từng nghiền ngẫm rất nhiều công cụ khác nhau và “tạm” rút tỉa được một vài phương pháp sau:
Phương pháp 1: Sử dụng phân vùng riêng biệt để backup toàn phần. Chúng ta sử dụng chương trình miễn phí Carbon Copy Cloner trên Mac. Yêu cầu: Một phân vùng trống có dung lượng bằng phân vùng hiện tại chứa Snow Leopard. Format theo HFS+ hoặc NTFS.
Đối với phương pháp 1, các bạn sử dụng phần mềm Carbon Copy Cloner trên Mac để copy toàn bộ nội dung đĩa file-by-file vào phân vùng mới (yêu cầu phân vùng backup format HFS+), hoặc save toàn bộ đĩa chứa Snow Leopard thành file .dmg (một loại ảnh đĩa, giống với iso nhưng có thêm khả năng nén và mã hóa dữ liệu). Các bạn nên sử dụng backup theo kiểu incremental, thời gian và dung lượng mỗi đợt backup sẽ rất thấp. Chi tiết các bạn có thể đọc thêm tài liệu hướng dẫn của CCC.
Khi restore, các bạn boot vào đĩa cài đặt SL và mở Disk Utility. Chọn ổ đĩa cần restore và vào tab Restore. Source: chọn file dmg đã backup từ trước (nếu sử dụng backup file-by-file thì kéo thả phân vùng chứa dữ liệu backup vào dòng này). Destination: kéo thả đĩa cần restore từ bên cột trái vào (trong hình thì Destination đúng ra phải là Snow Leopard. Do tôi đang sử dụng nên phân vùng bị khóa, nhét đỡ ổ đĩa khác vào thay thế). Sau khi restore hoàn tất bạn có thể restart.
Phương pháp 2: Sử dụng phần mềm Acronis True Image hoặc Acronis Backup & Recovery.
Phương pháp 2, các bạn sử dụng Acronis True Image cho đĩa MBR hoặc Acronis Backup & Recovery (phiên bản mới hơn của True Image) cho GPT, từ bản này trở đi Acronis mới thêm vào khả năng hỗ trợ GPT. Các bạn chọn chế độ backup sector-by-sector, vì True Image sẽ không hiểu được file system HFS+ của Mac. Ưu điểm của phương pháp này là khả năng nén ảnh đĩa cho dung lượng nhỏ hơn cách 1, nhưng bù lại tốc độ tạo ảnh đĩa rất chậm (khoảng 15 phút 1 lần). Phương pháp 1 nếu dùng incremental backup sẽ rất nhanh, khoảng 2 phút 1 lần backup. Restore lại phân vùng cũng đơn giản, các bạn tham khảo hướng dẫn từ Acronis.
Rất nhiều các phương pháp backup khác hoàn toàn không sử dụng được đối với Snow Leopard, vì nhiều hạn chế nhất định.
XIII/ Giới thiệu sơ lược Mac OS X desktop & cách cài đặt sử dụng phần mềm, bàn phím.
Hiệu năng hệ điều hành, các công nghệ trên Mac OS X.
Ở phần trước, rất nhiều bạn đã hỏi tôi: “Có gì hay ở Mac OS X mà phải khổ sở thế?”. Thực sự thì câu hỏi này không dễ trả lời chút nào. Có nhiều điểm Mac không bằng Windows, và bất cứ PC fan nào cũng kể ra được: ít phần mềm chuyên dụng (1 số ngành), ít games, số lượng phần mềm ít hơn, v..v.. Nhưng ngược lại, có những vấn đề Mac tốt hơn hẳn Windows mà phải dùng qua mới biết.
Đầu tiên là vấn đề về trải nghiệm. Hệ điều hành Mac OS X được Apple thiết kế rất hợp lý, logic và đặt biệt dễ sử dụng, đó là điều phải khẳng định. Nói không quá thì chỉ cần chưa tới 3 ngày, thậm chí trong 1 ngày, các bạn có thể sử dụng được dễ dàng hệ điều hành này. Mac có một số tính năng tôi rất thích mà Windows không có, chẳng hạn tính năng preview tập tin ngay trong Finder (trình quản lý tập tin của Mac), và tính năng kéo thả spring-loaded cực kì tiện lợi khi di chuyển tập tin. Khả năng xem cover-flow bất kì đâu, Exposé rất hiệu quả trong quản lý cửa sổ, Spaces cho phép quản lý nhiều desktop, từ điển có sẵn hiệu quả với chức năng on-screen translate (dám cá rất nhiều bạn dùng Mac không biết phím tắt này), một số công cụ Uiniversal Access thông minh, khả năng ra lệnh bằng giọng nói, v..v.. chỉ là số ít trong rất nhiều cải tiến đáng giá trong giao tiếp người dùng của Mac.
Thời gian khởi động và tắt máy cũng cực kì nhanh, chỉ 15s bật và 2s tắt (!), với một chiếc máy 4 năm tuổi Core 2 Duo đời đầu 1.86GHz và 2GB RAM. Khi khởi động xong Mac chiếm khoảng trên 150MB RAM, quá ít so với số lượng tính năng và hiệu ứng hình ảnh đồ sộ hệ điều hành này mang lại. Thực tế Snow Leopard có thể chạy rất, rất tốt trên các máy netbook Atom và Pentium 4 cổ lỗ với chỉ 512 MB RAM.
Độ ổn định của Mac cũng được chứng minh khi hiệu suất sử dụng không hề giảm trong quá trình làm việc dài (48-72 tiếng). Mac cũng ít downgrade như Windows sau quá trình sử dụng 6-12 tháng, ít yêu cầu bảo trì thường xuyên, điều này đặc biệt có lợi đối với người dùng không chuyên. Bên cạnh đó là khả năng quản lý phần lõi hệ điều hành rất tốt của một Unix-based OS, khiến cho việc người dùng vô tình làm hỏng hệ điều hành rất khó xảy ra.
Hiệu suất hệ điều hành:
Nếu bạn đủ may mắn có thể chạy tất cả các device trên PC của mình với kext nguyên bản của Apple, hiệu suất của hệ điều hành là điều chắc chắn được đảm bảo (EP45-UD3L trong bài 3 là một trong số những hệ thống hoàn chỉnh như vậy). Quan trọng nhất vẫn là chipset và VGA, các thiết bị phụ như sound chip & ethernet không ảnh hưởng tới hiệu suất.
Sau nhiều phép đo giữa máy PC của tôi và máy Macintosh có cấu hình tương đương (dùng Geek Bench, XBench, etc), kết quả cho thấy không hề có chút khoảng cách nào giữa hackintosh và Mac chính thống. Nhờ vào khả năng thay thế thành phần linh họat của mình, PC còn có lợi thế hơn Mac rất nhiều khi cần nâng cấp, cũng như rất nhiều PC hiện tại đều có cấu hình cao hơn Macbook – dòng Macintosh được sử dụng nhiều nhất.
Về vấn đề bảo mật, có lẽ cũng không cần phải phân tích gì nhiều thêm. Rất nhiều bài viết đã nói về chủ đề này, và tất cả đều có chung một kết luận: khó đánh giá được Windows và Mac ai bảo mật hơn, nhưng Mac ít virus & malware hơn là điều không phải bàn cãi.
Mac OS X Desktop:
Desktop trên Mac có bố cục khác khá nhiều với Windows. Thay thế cho taskbar quen thuộc là thanh dock với biểu tượng 3D của các chương trình thường sử dụng. Bên phải dock là khu vực dành cho stack & folder. Tất cả các icon trên dock đều có thể kéo thả.
Menu bar cũng có một menu đặc biệt với biểu tượng Apple, đó là system menu. Đây là nơi bạn Shut down / Restart hệ thống, truy cập thông tin About this Mac, update hệ điều hành và truy cập tới System Preferences – Control Panel của Mac. Bên phải menu bar là nơi kiêm chức năng giống như system tray của Windows.
Một thành phần khác của Mac desktop là Dashboard. Đây cũng có thể coi là hệ thống quản lý các gadget, giống như gadget trên Windows. Bạn có thể thiết lập Exposé để truy cập nhanh Dashboard bằng các góc màn hình.
Sử dụng bàn phím trên Mac:
Nếu ai đã từng tiếp xúc qua sẽ nhận thấy một điều: bàn phím trên Macintosh khác với bàn phím PC. Thật ra không phải cứ bàn phím và chuột do Apple sản xuất mới sử dụng được với Mac, chúng ta vẫn có thể sử dụng “bộ đôi Mitsumi quen thuộc” để làm quen với cô nàng Mac kiêu sa.
Phím Option trên Mac tương ứng với phím Windows trên PC.
Phím Control vẫn là Control quen thuộc.
Các bạn có thễ xem bảng này để hiểu được các kí hiệu tổ hợp shortcut key trên Mac:
Phần mềm trên Mac OS X:
Như đã nói ở phần trên, phần mềm trên Mac OS X đa phần cài đặt vô cùng đơn giản, thậm chí còn tiện lợi và dễ hiểu hơn cả Windows. Nếu ai bị ám ảnh vì các câu lệnh cài đặt để lôi software xuống “từ đám mây” trên Linux, thì bạn sẽ không phải lo lắng về điều này trên Mac.
Phần mềm trên Mac xét về số lượng thì không nhiều bằng Windows, nhưng đa số các phần mềm cần thiết đều có (trừ một số “cần câu cơm” của các bạn chuyên ngành xây dựng, CAD/CAM). Nếu các bạn tìm đúng nguồn thì sự thiếu hụt phần mềm sẽ là chuyện không bao giờ xảy ra. Các phần mềm tôi dùng đa số đều có bản dành riêng cho Mac, và nếu quan sát kĩ, bạn sẽ thấy đa số phần mềm viết cho Mac (tính cả các loại dùng Cocoa framework) đều được “trau chuốt” kĩ càng về giao diện hơn nhiều so với bản Windows.
Khoan bàn về phần mềm tính phí, số lượng phần mềm miễn phí trên Mac cũng không hề ít. Có thể kể ra một số phần mềm tiêu biểu như: Adium, VLC player, bộ codec Perian, Dropbox, Filezilla, Picasa, Real Player, iStat menus,Teamviewer, Yahoo! Messenger, bộ phần mềm iLife, iPhone SDK của chính Apple, v..v.. Các dạng plug-in rất hữu dụng dành cho Safari như Glims, Safaristand, cùng nhiều phần mềm tính phí nhưng cũng rất cần thiết khác: VMWare Fusion, Speed Download, Socialite, Crossover (chạy phần mềm Windows trên Mac), bộ Adobe Creative Suite, v..v..
Có một vấn đề lâu nay vẫn là nỗi băn khoăn của nhiều bạn khi so sánh Mac và Windows. Khi hỏi “vì sao tôi nên dùng Mac?” thì câu trả lời đa phần rất chung chung là “Mac là dành cho dân đồ họa, thiết kế bạn ơi”. Quả thật dù không phải là dân trong nghề, nhưng tôi cũng cố gắng giải thích thử nguyên nhân mà nhiều người “truyền tai” nhau xem sao:
Thứ nhất, máy Mac đẹp và nghệ thuật, tôn lên vẻ “độc nhất vô nhị” của chủ nhân. Tất nhiên Vaio cũng đẹp, Dell Adamo cũng không kém ai, nhưng chẳng phải tất cả đều là PC sao? Với giới nghệ thuật và ưa thích sáng tạo, thì sự “độc nhất” là tiêu chí mà họ luôn tôn thờ và hướng đến. Sáng tạo thì phải khác người, phải khác so với tất cả số còn lại, không ai cho sự sao chép là một cách sáng tạo cả. Mac vô tình đáp ứng được nhu cầu này.
Thứ hai, Mac dễ sử dụng và thiết kế rất thẩm mĩ, logic, đặc biệt phù hợp với những người không có thiên hướng tìm tòi kĩ thuật, phải bỏ nhiều thời gian ra khám phá sản phẩm. Đó là lí do vì sao đa số người dùng Mac không quan tâm nhiều đến chiếc máy họ họat động ra sao, chỉ cần biết nó xứng đáng với số tiền bỏ ra là đủ. Giao diện thẩm mĩ cùng nhiều hiệu ứng mượt mà cũng là môi trường xúc tác quan trọng giúp khả năng sáng tạo bay cao.
Thứ ba, mọi người vẫn cho rằng giới làm nghệ thuật và sáng tạo nội dung rất giỏi kiếm tiền, và chỉ có họ mới có thể sẵn sàng chi tiền cho những chiếc máy tính 40-50 triệu đồng vì mục đích công việc, giải trí.
Thứ sáu, các phần mềm đồ họa danh tiếng như Creative Suite của Adobe họat động trơn tru và hiệu suất cao hơn đáng kể so với trên PC cùng cấu hình. Thực tế đã kiểm nghiệm những trường hợp tận dụng tài nguyên không tốt trên PC, dẫn tới crash khi mở file đồ họa dung lượng lớn, trong khi với Mac thì hoàn toàn không xảy ra.
Vậy thì sao nào?
Rõ ràng, với 6 nguyên nhân kể trên, chiếc máy tính Apple rất phù hợp dành cho giới đồ họa và sáng tạo nội dung số. Tuy nhiên bên cạnh đó, nếu bạn yêu thích Mac OS X, yêu thích sự đơn giản của nó và có đủ khả năng tậu cho mình một chiếc Mac vì thấy nó phù hợp, “đủ xài” cho nhu cầu giải trí và làm việc hàng ngày (như tôi chẳng hạn), bạn hòan tòan có thể đến với Mac dù không biết Photoshop nó mặt mũi thế nào cả (Tất nhiên tôi không nói đến những bạn mua Mac vì nhu cầu trang trí, trang sức hoặc các thể loại khác).
Kết luận:
Tất nhiên những điều nhận xét về Mac OS X tôi viết ở trên đều hoàn toàn đứng trên quan điểm cá nhân, và được rút ra từ kinh nghiệm bản thân khi đã sư dụng qua rất nhiều hệ điều hành khác nhau,tôi không bàn về Windows vì đa số chúng ta đều quá quen thuộc và dùng cả chục năm nay rồi. Có thể bạn sẽ có một trải nghiệm khác của tôi, nhưng dù sao đi nữa, Mac OS X vẫn đáng cho một lần thử.
0 comments:
Post a Comment